Tại sao bói toán dường như chính xác?

Với người nông dân Việt Nam, do sự canh tác phụ thuộc vào thời tiết nên ưa chuyện may rủi, bói toán là lẽ thường tình. Bản thân tôi cũng có một trải nghiệm khó quên vì có người chú họ khi du học tại Ba Lan từng bị một phụ nữ Di-gan bói là sẽ chết trẻ.

Do quá ám ảnh lời bói đó mà chú tôi không chịu lấy vợ, và một chiều mùa đông năm 1987, khi đang đi xe máy ở Cầu Giấy, Hà Nội, ông bị đâm xe và tử vong. Với chú tôi, lời bói đã ứng nghiệm!

Có thể kể ra rất nhiều trường hợp tương tự, cho thấy bói toán dường như chính xác. Ấy vậy mà ông bà ta từng chế giễu các thầy bói: “Số cô không giàu thì nghèo/ Đêm ba mươi Tết thịt treo trong nhà...(!)”. Vậy sự thật nằm ở đâu?

Trong số các loại tiên tri hay bói toán thì chiêm tinh học phương Tây được nghiên cứu kỹ nhất. Và kết quả nghiên cứu có thể khiến ta bàng hoàng!

Nhà vật lý Dean nghiên cứu lá số chiêm tinh của 22 người rồi đảo ngược kết quả. Kỳ lạ thay, 21/22 người cho rằng các lá số đảo ngược đó mô tả chính xác tính cách và số phận của họ!

Nhà tâm lý Silverman, Mỹ, nghiên cứu 2.978 cặp vợ chồng và 478 cặp đã ly hôn nhận thấy, tỷ lệ tan vỡ của hai nhóm hòa hợp và không hòa hợp theo tiêu chuẩn chiêm tinh là như nhau.

Nhà vật lý Jerni nhận thấy thời điểm sinh của 6.000 chính trị gia và 1.700 nhà khoa học phân bố hoàn toàn ngẫu nhiên, tất cả trái với kết quả chiêm tinh.

Nhà vật lý Carlson thì thấy chiêm tinh chỉ đúng trong mô tả tính cách của 34% số người được nghiên cứu, tức chỉ ngang với đoán mò.

Đặc biệt, khi lá số chiêm tinh của một trong số những tên sát nhân tàn bạo nhất nước Pháp được gửi ngẫu nhiên tới 150 địa chỉ, kết quả vượt ngoài sức tưởng tượng: 94% số người được hỏi tuyên bố họ có nhiều điểm chung với lá số đó!

Để giải thích tại sao chúng ta thấy bói toán dường như chính xác, có tới 26 lý do được đưa ra. Dưới đây là những lý do thường gặp nhất.


Ngựa Hans thông minh có thể biết tên tổng thống Mỹ nhờ đọc ngôn ngữ cơ thể

Hiệu ứng Barnum:

Hầu hết lời bói thường rất mơ hồ và chung chung nên có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Hiệu ứng được đặt theo tên một gánh xiếc đầu thế kỷ XX, khi vào năm 1949, một giáo sư tâm lý đưa ra một mô tả nhân cách khôn khéo đến mức, tất cả sinh viên của ông đều tin nó là của mình.

Xu nịnh sẽ đưa ta tới bất cứ đâu:

Các dự báo thường khá dễ nghe. Khi có ai đó tuyên bố ta tài giỏi, thông minh, sáng tạo, nhạy cảm, giao thiệp rộng, giàu trí tuệ và có cơ hội thăng tiến, nhiều khả năng ta sẽ xem đó là một thầy bói rất đáng tin cậy!

Ước vọng muốn tin:

Không ai đi coi bói mà lại muốn thầy bói nói sai. Chính ước vọng muốn tin đó khiến ta tạo ra những ám hiệu kín đáo hay rõ ràng giúp thầy bói điều chỉnh dự báo. Khi một thiếu nữ băn khoăn “tôi không gặp rắc rối về tình cảm chứ?”, dù kém nhạy cảm đến mấy thì thầy bói cũng biết cần phải nói như thế nào!

Hiệu ứng vầng hào quang:

Đó là kết quả của ấn tượng ban đầu. Nhiều người có xu hướng tin tưởng thầy bói có tính cách nồng nhiệt hơn lạnh lùng, tự chủ hơn thiếu tự chủ, ăn mặc tươm tất hơn cẩu thả, ưa nhìn hơn kém hình thức... Giới thầy bói nằm lòng quy tắc này!

Tương quan ảo:

Quy luật vàng của môn tâm lý: tin là thấy. Từ vô số sự kiện xảy ra trong đời, bao giờ ta cũng nhặt ra được những sự kiện phù hợp với dự báo của thầy bói mà ta tin tưởng. 

Tại sao bói toán dường như chính xác?

Ký ức chọn lọc:

Ta thường chỉ nhớ dự báo đúng mà ít lưu tâm tới dự báo sai. Và ta say sưa kể về dự báo đúng đó cả đời mà ít khi lưu tâm tới câu hỏi quyết định, vậy thầy bói đúng bao nhiêu phần trăm?

Trên thực tế có thể đạt được các kết quả cao hoàn toàn chỉ nhờ đoán mò, chẳng hạn sinh trai hay gái (tỷ lệ 50%), đúng hay sai (tỷ lệ cũng 50%); thậm chí có thể đạt tỷ lệ thành công tới 70% khi dự báo “thời tiết ngày mai giống hôm nay”, một kết quả dựa trên thống kê học.

Đọc nóng:

Đó là cách lấy tin trước khi bói. Thầy bói có thể giả vờ mệt và hẹn ta ngày hôm sau để có thời gian cử “chân gỗ” bám theo và tìm hiểu mọi thông tin cần thiết. 

Đọc ấm:

Đó là việc áp dụng các quy luật vàng của các môn tâm lý và xã hội học. Một cô gái trẻ thì được phán là gặp rắc rối trong thi cử hoặc yêu đương; một quý bà sang trọng nhưng ủ ê thì được cho là chồng đang “mèo mỡ”. Những lời phán đó có xác suất thành công rất cao!

Đọc nguội hay hiệu ứng Hans thông minh:

Một thầy bói nhạy cảm có thể đọc ngôn ngữ cơ thể, như so vai hay thở nhẹ, để thu thập thông tin từ chính người đi coi bói. Hiệu ứng này được đặt tên theo chú ngựa Hans đầu thế kỷ XX tại Berlin biết đọc ngôn ngữ cơ thể người đối diện để làm toán hay đọc tên tổng thống Mỹ...

Riêng với trường hợp ở đầu bài viết, tôi cho rằng chính người phụ nữ Di-gan là kẻ giết người, khi đã gieo vào tiềm thức chú tôi một ý nghĩ chết chóc, khiến ông tê liệt phản ứng trước cú va chạm.

 Theo TS ĐỖ KIÊN CƯỜNG (CATPHCM)